'Ai nói và tại sao nói như thế' - tập truyện ngắn độc đáo

"Ai nói và tại sao nói như thế" (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, năm 2024) là tập truyện ngắn thứ tư của nhà văn Văn Giá, sau các tập truyện: "Một ngày nát vụn" (năm 2009), "Một ngày lưng lửng" (năm 2015), "Mưa ở Bình Dương" (năm 2019).

" hideimage="null" src="https://baokhanhhoa.vn/file/e7837c02857c8ca30185a8c39b582c03/2c93f08186abfba80186abff7b31006b/092024/word_image_1727440407042.png">

Nhà văn Văn Giá tên đầy đủ là Ngô Văn Giá, người tỉnh Bắc Giang nhưng sinh sống và làm việc tại Hà Nội. PGS.TS Ngô Văn Giá nguyên là Trưởng khoa Viết văn - Báo chí Đại học Văn Hóa Hà Nội (tiền thân là Trường Viết văn Nguyễn Du), Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam. Là người chuyên viết nghiên cứu - lý luận - phê bình, ông có đến 7 tập sách về tiểu luận, phê bình, chân dung văn học. Là giảng viên đại học, ông là tác giả của 3 giáo trình lý luận văn học về cách viết phê bình văn học, sáng tác ký, đặc biệt là sáng tác truyện ngắn.

Theo lời tự bạch của tác giả, khi giảng dạy lý thuyết cho sinh viên, ông cũng gắng thử sức ở thể loại truyện ngắn. Song, có lẽ, đó là cách nói khiêm tốn của tác giả. Bởi lẽ, nghệ thuật tự sự của "Ai nói và tại sao nói như thế" rất chắc tay, đặc biệt là nghệ thuật tạo tình huống truyện, nghệ thuật trần thuật và lựa chọn giọng điệu, xây dựng chi tiết nghệ thuật… Nói cách khác, đây là một tay bút truyện ngắn có sở trường và thiên hướng rõ ràng.

Tập truyện gồm 17 truyện ngắn nhưng không có truyện nào mang tên "Ai nói và tại sao nói như thế" như tựa sách. Tác giả chọn một cái tên sách đầy chất lý luận và nhiều ẩn ý. Vế “Ai nói” là muốn bạn đọc chú ý vào chủ thể tự sự, người cất tiếng nói (người kể chuyện), còn vế “Tại sao nói như thế” lại ngầm đối thoại với bạn đọc về mục đích sáng tạo, chuẩn bị cho bạn đọc tâm thế đón nhận người viết sẽ viết cái gì, nhất là viết như thế nào. Thành ra, đọc "Ai nói và tại sao nói như thế", bạn đọc như được kích thích thử cầm bút, thử sức với thể loại này.

Chuyện về những anh trí thức xuất thân tỉnh lẻ, bằng nỗ lực học hành đã vượt lên, về Hà Nội công tác, lấy vợ, sinh con, làm nhà, xây dựng danh tiếng hiện lên lúc đậm lúc nhạt trong tập truyện ("Ăn sáng café", "Một góc trời xa", "Về nơi chốn mới", "Đồng bạc lấy may"…). Đến tuổi hưu, có anh muốn bỏ phố về quê để “đọc sách, trồng hoa, hít thở không khí trong lành giữa thiên nhiên”, đến khi va vào thực tế mới thấy giữa ước mơ và thực tế có lắm nỗi vênh ("Hưu quê"). Rồi cũng mấy anh trí thức ấy, khi thì bệnh đau phải nằm viện ("Chăm người bệnh"), khi thì đi biển vừa họp vừa nghỉ dưỡng cùng cơ quan ("Diễn ngôn"), lúc lại hồi nhớ mối tình đầu ("Một góc trời xa")… Tóm lại, có vẻ như nhà văn Văn Giá đã kéo truyện ngắn về nhập với đời thường, để cho cuộc đời đi vào trang sách một cách tự nhiên, bình dị và lặng lẽ.

Nói như thế không có nghĩa là tập truyện không có những tình huống có vấn đề, trái lại, hầu như truyện nào cũng có tình huống bất ngờ, độc đáo. Hầu như truyện nào cũng là thể nghiệm và sáng tạo của tác giả. Có nhiều truyện là nghệ thuật xây dựng nhân vật, có truyện là nghệ thuật tổ chức kết cấu, thành công nhất có lẽ là nghệ thuật trần thuật đa thanh - trộn giọng giữa người kể chuyện và nhân vật - rất nhuyễn… Trần thuật đa thanh nên tập sách cũng đa giọng điệu: Day dứt, băn khoăn, dằn vặt, mỉa mai, trách cứ, thương xót…, nhưng bao trùm lên trên tất cả là giọng điệu hài hước hoặc giễu nhại gây ra tiếng cười hoặc thích thú hoặc xót xa. Hầu hết các truyện, không nhiều thì ít, đều có chi tiết nghệ thuật rất đắt, ngôn từ nghệ thuật phong phú mà chắt lọc.

"Ai nói và tại sao nói như thế" trước tiên là diễn ngôn của tác giả nhưng có thể mang đến cho bạn đọc cách cất lên tiếng nói của riêng mình về cuộc sống, con người. Bởi lẽ, cách viết của tác giả là ngầm đối thoại, ngầm trao bút cho bạn đọc ở mọi lứa tuổi.

CHẾ DIỄM TRÂM

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/202409/ai-noi-va-tai-sao-noi-nhu-the-tap-truyen-ngan-doc-dao-7a417fd/
Zalo