'Ai nói & tại sao lại nói như thế' - Hãy mở căng lồng ngực đón nhận tất cả vang động cuộc sống

'Mỗi chúng ta chỉ là một tiếng nói thật yếu ớt trong đời sống này. Đây chính là một nỗi buồn thật sâu của tất thảy chúng ta, nhất là những người cầm bút. Hầu hết các truyện ngắn của tôi đều quan tâm tới lời nói, bao gồm ai nói, tại sao lại nói vậy, tính biểu nghĩa như thế nào trong hoạt động diễn ngôn... Đây chính là chỗ sống động, phức tạp và bất lực nhất của con người' (Văn Giá).

Tập truyện ngắn "Ai nói & Tại sao lại nói như thế" (2024, NXB Hội Nhà Văn) của nhà văn Ngô Văn Giá.

Tập truyện ngắn "Ai nói & Tại sao lại nói như thế" (2024, NXB Hội Nhà Văn) của nhà văn Ngô Văn Giá.

Với việc “trình làng” các tập truyện ngắn: “Một ngày nát vụn” (2009), “Một ngày lưng lửng” (2015), “Mưa ở Bình Dương” (2019) và gần đây nhất là “Ai nói & tại sao lại nói như thế?” (2024, NXB Hội Nhà Văn), nhà văn Văn Giá từng bước định hình phong cách, cá tính, giọng điệu riêng trên địa hạt truyện ngắn. Với ông, đó không phải là một cuộc dạo chơi. Đó vừa như hành trình thủy chung với “mối tình đầu” vừa là nỗ lực vượt lên trên những gì mình đã có để tiếp tục khai phá tiềm năng chưa được khai phá hết, biến tiềm năng thành thành tựu. Đúng như ông từng bộc bạch: “Tôi viết truyện ngắn đã lâu, từ hồi sinh viên, tức là những năm 80 của thế kỷ trước. Nhưng viết mãi chưa thành. Đến năm 1987, tôi đi học cao học, rồi làm nghiên cứu sinh, rồi bước hẳn vào con đường nghiên cứu phê bình văn học. Truyện ngắn là một thể loại tựa như mối tình đầu của tôi trong văn chương. Đã định bụng thôi hẳn đấy, nhưng lạ thay, nó luôn khiến tôi bận lòng...”.

Không giống như cách đặt tên thông thường của phần đa các tập thơ, truyện ngắn khác là rút từ tên truyện đặc sắc trong tập. Nhà văn Văn Giá đặt tên cho “đứa con tinh thần”, tập truyện ngắn thứ 4 của mình theo cách rất gợi - “Ai nói & tại sao lại nói như thế?”. Cái tên ấy như cửa ngõ kết nối vào thế giới ngôn ngữ hiện hữu trên từng trang văn: “...Thân xác con người chẳng qua chỉ là cái bã, vô nghĩa. Chứ tồn tại thực của con người là ngôn ngữ, mà ngôn ngữ mới là sự thực. Ngôn ngữ là ngôi nhà của hữu thể” (Quạt giấy).

Là người làm nghiên cứu, phê bình văn học, nhà văn Văn Giá luôn ý thức sâu sắc được rằng: “...Thì ra việc mình lên tiếng/phát ngôn không phải lúc nào cũng muốn mà được. Vả lại, ngay cả việc lên tiếng ấy nhiều khi tưởng như rất vô tư, hồn nhiên, mình muốn nói thế nào thì ra thế, nhưng không phải, hóa ra trong thẳm sâu, có những thứ định chế như một vô thức chi phối sự lên tiếng của anh mà anh không biết, không kiểm soát được. Đây là nhìn từ phía người viết. Còn nhìn từ phía bạn đọc, do kinh nghiệm tri thức, văn hóa của mỗi người khác nhau, lại do bối cảnh thực tại chi phối, nên họ tiếp nhận các phát ngôn cũng rất khác nhau”. Đấy chính là câu chuyện của lý thuyết diễn ngôn, là “khởi sinh” ý tưởng để tác giả bắt tay vào thực hiện cuốn sách. Sự chuyển dịch trọng tâm trong các tác phẩm của Văn Giá từ việc “Nói cái gì?” sang việc “Tại sao lại nói như thế?” mà không nói khác là những thể nghiệm, tìm tòi, tự làm mới mình để tạo nên những điều độc đáo, hấp dẫn, hàm chứa giá trị nhân văn sâu sắc dành cho bạn đọc.

“Ai nói & tại sao lại nói như thế” tập hợp 17 truyện ngắn được chọn lọc, sắp xếp tưởng như ngẫu hứng nhưng lại đầy sức hấp dẫn, thuyết phục. Đọc tập sách, bạn đọc dễ có cảm giác đang bước vào một xã hội thu nhỏ. Từng nhân vật, sự việc, bối cảnh và những tiếng nói... đều tự nhiên, quen thuộc vô cùng. Nhưng rồi, chính sự vận động, biến ảo không ngừng của cuộc sống đã bộc lộ bao điều hay - dở, tốt - xấu, vui - buồn... đan xen, ngỡ là vậy mà không phải vậy.

Ngoảnh mặt về phía hồ trong lòng đô thị sầm uất sẽ thấy nhóm mấy ông hưu trí tí toét ăn sáng, cà phê, hăng hái chuyện trò, thỉnh thoảng thấy gằn lên mấy tiếng chửi thề. Nhưng rồi những biến cố của cuộc sống đôi khi làm mất dần hoặc biến tướng đi những tiếng nói trong những cuộc vui, cuộc “trà dư tửu hậu” ấy, bằng cách này hay cách khác (Ăn sáng café). Thoáng chốc, căn phòng bệnh mở ra, những cảnh đời cất lên tiếng nói (Chăm người bệnh). Rồi cứ thế, tác giả dẫn bạn đọc ngược ngàn Tây Bắc - miền rừng những năm 80 thế kỷ trước để lắng nghe tiếng nói của tuổi trẻ, của tình yêu, của những năm tháng rực lửa, tràn đầy nhiệt huyết nhưng vụng dại, bất định (Một góc trời xa). Nghe mảnh vườn nhỏ kể chuyện - câu chuyện về những nhạt phai của tình anh em ruột thịt thiêng liêng trước toan tính thiệt hơn, ích kỉ (Bờ tường rào). Nương vào dòng sông Thương, nghe chuyện về “người đàn bà bên kia sông” để thấy tiếng nói của lương tâm, lòng tự trọng là điều cứu vãn sau cùng cho cuộc đời con người... Những câu chuyện, những tiếng nói tưởng như rất vụn vặt, thầm kín, nhỏ bé trong cuộc sống lại khiến độc giả chộn rộn lên bao suy nghĩ, trăn trở.

Giữa bộn bề những thanh âm trong cái “xã hội thu nhỏ” qua trang sách ấy, độc giả vẫn có thể nhận ra “một tiếng nói” khác - tiếng nói của chính tác giả. Tiếng nói ấy, khi thì xuất hiện dưới dạng bình luận, lúc lại như lời tâm sự, bộc bạch nỗi lòng, có khi là tiếng... chửi thề chát chúa trước một tình cảnh éo le, trớ trêu, bi hài diễn ra trong cuộc sống. Nhiều khi, tiếng nói ấy cất lên như một triết gia: “Tại sao anh nghĩ về cái chết như vậy. Không phải do bản thân cái chết, mà do toàn bộ đời sống tinh thần của anh đã có một diễn ngôn về cái chết. Cái chết trong ý nghĩ của anh là một diễn ngôn của chính anh” (Quạt giấy). Có tiếng nói của người trải đời: “Cái chữ trên và dưới vốn chỉ vị trí, nơi chốn, nhưng mà nó đi vào đời sống này theo những cách khôn lường”. Và lẽ dĩ nhiên, tiếng nói, quan điểm về nghề viết không thể khuyết thiếu: “Trong nghề nào chứ nghề viết, nhạt được coi là có tội. Nhạt là tội ác”; “... Còn cái môn văn í à? Nó phải là văn thật, văn ra văn. Chứ văn giả văn ngụy thì nguy hiểm lắm. Nó làm cho tâm trí con người ta âm u đi, tâm tính cũng đồi bại theo. Đó là thứ văn chương không xây dựng đạo đức mà chỉ phá hoại đạo đức thôi. Mọi lòng tốt, sự tử tế, tính thiêng vốn có của con người bị nó làm cho suy đồi, biến thành đầu môi chót lưỡi” (Quán ông già)... Cũng nhiều khi, bạn đọc vừa chau mày lại cười tủm tỉm trước cái giọng điệu giễu nhại, tưng tửng rất có duyên của người viết: “Nhà nghỉ là một định danh tuyệt hảo, không biết người nghĩ ra đầu tiên là ai. Nó chỉ mang cái nghĩa dùng để nghỉ ngơi thôi, nghỉ ngơi sau khi làm xong công việc cần phải nghỉ ngơi. Nhưng trên thực tế thì nó không hẳn như thế. Nó chuyển công năng sử dụng. Nó là nơi không để nghỉ mà để... làm việc” (Ba chuyện tầm phơ).

Cứ thế, tiếng nói của tác giả tham dự vào đời sống một cách nhẹ nhàng, hóm hỉnh mà sâu cay, thẳng thắn. Tác giả là người tỉ mỉ quan sát, lắng nghe tất cả vang động của cuộc sống bằng một “trái tim nóng” và cái “đầu lạnh”. Không có một “trái tim nóng”, người viết không thể nhận ra được những biến chuyển rất nhỏ của đời sống, của nội tâm con người bộc lộ trong từng hành động, cử chỉ, ánh mắt và lời nói. Không có một cái “đầu lạnh”, khả năng làm chủ tình huống truyện, làm chủ ngôn ngữ,... sẽ rất dễ bị ngợp giữa những ngồn ngộn chất liệu, rất dễ rơi vào tầm phơ, tầm phào. Ở đó, tiếng nói của nhân vật và tác giả đồng hiện. Những tiếng nói ấy không có tham vọng cải tạo hay đổi thay thực tại mà trước nhất để thỏa mãn nhu cầu tự thân, sự thúc giục từ lương tri và trách nhiệm của người trí thức về tình người, tình đời...

Với “Ai nói & tại sao lại nói như thế”, nhà văn Văn Giá đã dụng công dựng lên bức tranh xã hội đa thanh, đa sắc thái. Mỗi độc giả sẽ tự tìm kiếm, soi chiếu mình trong bức tranh ấy để tìm ra tiếng nói riêng của mình.

PGS.TS Ngô Văn Giá nguyên là Trưởng khoa Viết văn - Báo chí (tiền thân là Trường Viết văn Nguyễn Du), Trường Đại học Văn Hóa Hà Nội. Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam. Đến nay, ông đã xuất bản 14 “đầu sách” thuộc nhiều thể loại khác nhau; trong đó có 6 tập sách về tiểu luận, phê bình, chân dung văn học; 3 giáo trình: sáng tác truyện ngắn, sáng tác ký và viết phê bình văn học; 4 tập truyện ngắn.

Tập truyện ngắn “Ai nói & tại sao nói như thế” có sự tham gia của họa sĩ trẻ Ngô Vĩnh Thuận (Thuận Ngô), con trai của tác giả với tranh bìa và 6 bức tranh phụ bản). Anh tốt nghiệp Cử nhân Mỹ thuật, chuyên ngành Đồ họa (2023), Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Anh đã giành được các giải thưởng: “Nghệ sĩ tiềm năng” tại Triển lãm Hanoi Miniprints 2023...

Nguyên Linh

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/ai-noi-amp-tai-sao-lai-noi-nhu-the-hay-mo-cang-long-nguc-don-nhan-tat-ca-vang-dong-cuoc-song-34230.htm
Zalo