Ác mộng vì tham vọng mới của Meta
Trong cuộc đua phát triển AI, các gã khổng lồ công nghệ đang xây dựng hàng loạt trung tâm dữ liệu với quy mô khổng lồ. Tuy nhiên, điều này cũng dẫn đến nhiều vấn đề nghiêm trọng cho những cư dân sống gần đó.

Khi Meta khởi công trung tâm dữ liệu trị giá 750 triệu USD ở rìa Newton County, Georgia, vòi nước trong nhà của Beverly và Jeff Morris bắt đầu cạn khô.
Ngôi nhà của cặp vợ chồng, vốn sử dụng nước giếng, cách trung tâm dữ liệu mới của Meta hơn 300 m. Năm 2018, chỉ vài tháng sau khi việc xây dựng bắt đầu, máy rửa bát, máy làm đá, máy giặt và bồn cầu của gia đình Morrises đều ngừng hoạt động, theo lời Beverly Morris, người hiện 71 tuổi cho biết.
Chỉ trong vòng một năm sau, áp lực nước đã giảm dần thành một dòng nước nhỏ. Chẳng bao lâu, đã không còn gì chảy ra từ vòi trong phòng tắm và nhà bếp.
Tài nguyên thiết yếu bị đe dọa vì AI
Jeff Morris, 67 tuổi, cuối cùng đã tìm ra nguyên nhân đến từ trầm tích bị tích tụ trong nước. Ông cho rằng mọi chuyện là do việc xây dựng của Meta đã thêm trầm tích vào nước ngầm và ảnh hưởng đến nước giếng của họ.
Cặp vợ chồng này sau đó đã phải thay thế hầu hết thiết bị vào năm 2019, rồi lại tiếp tục phải thay mới vào năm 2021 và 2024. Theo phóng sư mới nhất từ phóng viên của New York Times, cặn bẩn đang tích tụ ở đáy hồ bơi sau nhà họ. Trong khi đó, vòi nước của một trong hai phòng tắm vẫn không hoạt động.
"Cảm giác như chúng tôi đang chiến đấu một trận chiến không thể thắng mà vốn dĩ không hề mong muốn. Tôi sợ uống nước của chính mình", bà Morris nói.

Căn nhà của gia đình Morris cách trung tâm dữ liệu mới của Meta hơn 300 m. Ảnh: New York Times.
Trải nghiệm của gia đình Morris chỉ là một trong số ngày càng nhiều vấn đề liên quan đến chất lượng nước xung quanh Newton County, cách Atlanta một tiếng rưỡi lái xe về phía đông và có dân số khoảng 120.000 người.
Trong bối cảnh các gã khổng lồ công nghệ như Meta đang cho xây dựng ngày càng nhiều trung tâm dữ liệu trong khu vực, các giếng địa phương liên tục bị hư hại, trong khi chi phí nước đô thị tăng vọt và thậm chí, ủy ban nước của hạt có thể phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt tài nguyên quan trọng này.
Theo một báo cáo năm 2024, tình hình đã trở nên nghiêm trọng đến mức Newton County đang trên đà thiếu hụt nước cho đến năm 2030. Nếu cơ quan cấp nước địa phương không thể nâng cấp cơ sở vật chất của mình, cư dân có thể buộc phải phân phối nước.
Blair Northen, thị trưởng Mansfield, một thị trấn ở Newton County, cho biết chỉ trong hai năm tới, giá nước dự kiến sẽ tăng 33%, nhiều hơn đáng kể so với mức tăng hàng năm thông thường là 2%.
"Kẻ hủy diệt" nguồn nước
Theo Bloomberg, khoảng 2/3 trung tâm dữ liệu đã/có kế hoạch xây dựng tại Mỹ từ năm 2022 nằm tại các khu vực thiếu nước. Trong số đó, 72% trung tâm dữ liệu nằm tại 5 bang chịu căng thẳng về nước.
Khi người dùng nhập câu lệnh vào chatbot AI, hệ thống sẽ gửi yêu cầu đến trung tâm dữ liệu, góp phần làm cạn kiệt nguồn tài nguyên vốn ngày càng khan hiếm: nước.
Vấn đề thực chất đã tồn tại trong nhiều năm. Từ khi ChatGPT chưa xuất hiện, nhiều cộng đồng dân cư đã phàn nàn về việc trung tâm dữ liệu tốn hơn 3 triệu lít nước mỗi ngày, tại các thành phố có nguồn nước dự trữ hạn chế. Tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn sau khi ChatGPT khơi mào cơn sốt AI tạo sinh.

Ông Jeff Morris, 67 tuổi cho rằng mọi chuyện là do việc xây dựng của Meta đã thêm trầm tích vào nước ngầm và ảnh hưởng đến nước giếng của họ. Ảnh: New York Times.
Theo dữ liệu từ Viện Tài nguyên Thế giới và công ty nghiên cứu DC Byte, hơn 160 trung tâm dữ liệu AI xây dựng tại Mỹ trong 3 năm qua nằm tại nơi căng thẳng về nguồn nước. Con số này tăng 70% so với giai đoạn 3 năm trước đó.
Tình trạng tương tự cũng xuất hiện tại những quốc gia khác, gồm các khu vực khô cằn như UAE hay Saudi Arabia. Trong khi đó, tỷ lệ trung tâm dữ liệu ở khu vực khô hạn tại Trung Quốc, Ấn Độ thậm chí cao hơn Mỹ.
Giới phân tích nhận định khi xây dựng trung tâm dữ liệu AI, các công ty có xu hướng chọn tiểu bang, quốc gia nhiều năng lượng và quy định thuận lợi. Tuy nhiên, các khu vực ấy lại thiếu nguồn cấp nước dồi dào. Hậu quả là trung tâm dữ liệu đang đe dọa nguồn cấp nước, ngành nông nghiệp và sản xuất năng lượng tại địa phương.
“Đây là vấn đề ngày càng gia tăng, lan rộng khắp nơi”, Newsha Ajami, Giám đốc chiến lược và phát triển nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Lawrence Berkeley, Giám đốc sáng lập chương trình chính sách nước đô thị tại Đại học Stanford, cho biết.
Đã có biểu tình về việc trung tâm dữ liệu gây thiếu nước tại Hà Lan, Uruguay và Chile. Trong đó, chính quyền Chile phải tạm thời thu hồi giấy phép xây trung tâm dữ liệu 200 triệu USD của Google.
Tại Mỹ, các công ty công nghệ đang mở rộng trung tâm dữ liệu tại những bang dễ hạn hán như Arizona hay Texas, làm gia tăng mối lo ngại về nguồn nước địa phương.
“Mọi nơi tại tiểu bang đang đối mặt cuộc khủng hoảng nước-năng lượng này”, Amy Bush, nhà thủy văn học tại RMBJ Geo Inc. ở Abilene (thành phố thuộc bang Texas) cho biết. Đây cũng là nơi OpenAI có kế hoạch xây dựng trung tâm dữ liệu công suất 1,2 GW, phục vụ dự án Stargate.
Trong nhiều năm, Newton County là một vùng ngoại ô đang phát triển của Atlanta, cho đến khi tương lai đó bị đình trệ bởi cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Để thay đổi, các quan chức địa phương đã tìm kiếm dự án công nghiệp lớn để lấp đầy khoảng trống
Vào cuối những năm 2010, các trung tâm dữ liệu, với khả năng tạo ra hàng triệu USD doanh thu thuế, đã đáp ứng nhu cầu đó.
Dự án của Meta là trung tâm dữ liệu lớn đầu tiên đến Georgia vào năm 2018. Vào thời điểm đó, Thống đốc Brian Kemp, một thành viên đảng Cộng hòa, đã ăn mừng với những chiếc xẻng mang nhãn hiệu Facebook tại Tòa nhà Quốc hội bang.

Nhiều trung tâm dữ liệu mới tại Mỹ nằm tại các khu vực có mức độ căng thẳng cao về nước. Ảnh: Bloomberg.
Các ưu đãi thuế mới và điện công nghiệp giá rẻ nhanh chóng biến Georgia thành một trong những lựa chọn hàng đầu của quốc gia cho các trung tâm dữ liệu mới. Tuy nhiên, lợi ích về thuế nhanh chóng biến thành "cơn ác mông".
Trong những tháng gần đây, Mike Hopkins, giám đốc điều hành của Cơ quan Nước và Nước thải Newton County, cơ quan cấp nước của hạt cho biết, đã có 9 công ty đã nộp đơn xin xây dựng các trung tâm dữ liệu và yêu cầu 6 triệu gallon nước mỗi ngày.
Để so sánh, con số này nhiều hơn tổng lượng nước sử dụng hàng ngày của hạt. Theo giấy phép, một số đơn vị nộp đơn tiêu biểu có thể kể đến là các công ty công nghệ lớn như Amazon, trong khi các công ty khác sử dụng bí danh để che giấu danh tính.
Chris Manganiello, giám đốc chính sách nước của Chattahoochee Riverkeeper, một tổ chức phi lợi nhuận về môi trường ở Georgia, dường như không tin vào mắt mình khi nhìn thấy dữ liệu về lượng nước các trung tâm AI sử dụng.
Một công ty trung tâm dữ liệu đang yêu cầu 9 triệu gallon nước mỗi ngày, tương đương với 30.000 hộ gia đình. "Đó là số lượng khổng lồ", Manganiello nói.