9 thí sinh bị đình chỉ thi trong ngày thi đầu tiên, đề Toán phân hóa tốt
Kết thúc ngày thi đầu tiên, cả nước có 9 thí sinh vi phạm quy chế bị đình chỉ thi.
Theo báo cáo từ Bộ GD&ĐT, tổng số thí sinh đăng kí dự thi môn Ngữ Văn là 1.006.844 em, trong đó 977.642 em đến làm bài thi (đạt tỷ lệ 97.1%).
Ở môn Toán, cả nước có 1.010.214 em đăng ký dự thi, nhưng chỉ có 981.773 thí sinh tới điểm thi (đạt tỷ lệ 97.18%). Kết thúc ngày thi đầu tiên, cả nước ghi nhận 9 trường hợp vi phạm quy chế bị đình chỉ thi. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 phải chia thành hai đợt thi do ảnh hưởng từ dịch COVID-19. Trong số hơn 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi có 23.786 trường hợp không thể tham dự đợt 1 do đang trong vùng dịch cách ly hoặc trong diện F0, F1, F2.
Bộ GD&ĐT đánh giá ngày thi đầu tiên với hai môn Ngữ văn, Toán diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. Ghi nhận ban đầu của thí sinh, giáo viên và dư luận xã hội, đề thi bài thi Ngữ văn và bài thi Toán nằm trong chương trình THPT, có sự phân hóa phù hợp. Các Hội đồng thi đã thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 và triển khai các phương án dự phòng nên đã xử lý kịp thời các tình huống bất thường, bảo đảm tổ chức thi an toàn, nghiêm túc.
Đối với môn Toán chiều nay, thầy Ngô Văn Toản, giáo viên Toán trường THPT Ban Mai nhận xét đề thi đảm bảo mục tiêu xét tốt nghiệp và xét tuyển vào các trường đại học. Đề thi phân hóa học sinh khá rõ ràng, đối với các học sinh trung bình, đây là một đề thi “dễ thở”, dễ đạt được điểm 5 – 6, các học sinh khá sẽ đạt được điểm 7 – 8, các học sinh giỏi vẫn phải vượt qua thử thách ở các câu cuối để đạt điểm 9+. Với đề này, thầy Toản dự đoán, phổ điểm chính là 6,6 – 6,8; số điểm 9, 10 sẽ ít hơn năm ngoái nhưng vẫn sẽ có điểm 10.
Bám sát về cấu trúc và độ khó so với đề minh họa
Nhận định về đề thi môn Toán, mã đề 119, cô Trình Ánh Ngọc, giáo viên trường THPT Ban Mai, Hà Đông, Hà Nội, đề thi không có nhiều thay đổi về cấu trúc cũng như độ khó so với đề minh họa và đề thi năm 2020.
Về cấu trúc, đề thi bao gồm 50 câu hỏi với thời gian làm bài 90 phút. Trong đó có 38 câu thuộc mức độ nhận biết, thông hiểu từ câu 1 tới câu 38; 7 câu hỏi mức độ vận dụng và 5 câu hỏi mức độ vận dụng cao từ 39 tới 50. Nhìn chung, đề thi bám sát với đề minh họa, số lượng câu hỏi nhận biết, thông hiểu là không thay đổi.
Kiến thức của đề nằm trong chương trình lớp 12. Chương trình lớp 11 có các câu liên quan đến cấp số cộng, xác suất, phép đếm, góc và khoảng cách. Đặc biệt, đề thi không có sự xuất hiện các câu hỏi về lượng giác, bài toán vận tốc, bài toán lãi suất, phương trình tiếp tuyến và khoảng cách giữa hai đường chéo nhau - đều là những câu hỏi thường gây khó khăn cho các thí sinh.
Các câu hỏi mức vận dụng cao trải đều ở các chuyên đề hàm số, mũ – logarit, nguyên hàm – tích phân, số phức và phương pháp tọa độ không gian. Cụ thể như sau:
Chuyên đề Hàm số: đây là chuyên đề có số lượng câu hỏi lớn nhất trong đề thi (10 câu). Trong đó, câu 50 ở mức độ vận dụng cao, yêu cầu biện luận số cực trị của hàm chứa giá trị tuyệt đối được đánh giá là khó nhất đề, đòi hỏi thực hiện nhiều bước.
Chuyên đề Mũ - logarit: Đa phần các câu chỉ ở mức nhận biết – thông hiểu, tuy nhiên câu 43 ở mức độ vận dụng cao, thí sinh cần có kinh nghiệm nhất định ở dạng bài tập này mới có thể chọn được hướng tiếp cận đúng, xử lý nhanh gọn.
Chuyên đề Số phức: Chủ đề số phức ra trải khá đều ở cả bốn mức độ và có câu 46 thuộc mức độ vận dụng cao, cũng cần ở thí sinh kinh nghiệm dày dặn về mảng kiến thức này.
Chuyên đề Nguyên hàm – tích phân: Chủ đề nguyên hàm tích phân, không có những câu quá khó, lắt léo nhưng câu 47 ở mức vận dụng cao sẽ gây mất nhiều thời gian nếu không tìm được hướng đi nhanh gọn.
Chuyên đề Hình học Oxyz: Có khá nhiều câu hỏi thuộc chủ đề này (8 câu) và đa phần các câu không khó nhưng câu 49 đòi hỏi thí sinh huy động nhiều kiến thức và xử lý khéo léo.
Chuyên đề khối đa diên và thể tích khối đa diện, khối tròn xoay: Các câu chủ yếu ở mức độ nhận biết và thông hiểu, chỉ có 1 câu ở mức độ vận dụng.
Câu 47 thuộc mức vận dụng cao có nét rất mới là sự kết hợp của các chương: hàm số và tích phân.