80% xe bị phơi nắng lâu ngày đều không tránh khỏi 4 điều này
Theo cảnh báo của các chuyên gia kỹ thuật ô tô, việc để xe phơi nắng lâu ngày có thể dẫn đến những tổn hại nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cả độ bền, thẩm mỹ và độ an toàn của xe.
Sơn xe bị bạc màu, bong tróc, mất thẩm mỹ
Sơn xe rất dễ bị bạc màu, bong tróc khi phơi nắng lâu ngày. Lớp sơn không chỉ giúp chiếc xe đẹp hơn mà còn đóng vai trò bảo vệ lớp vỏ kim loại khỏi tác động từ môi trường.
Khi xe liên tục bị phơi dưới ánh nắng gay gắt, nhiệt độ bề mặt xe có thể vượt quá 60 độ C khiến lớp phủ bóng bảo vệ sơn bị hư hại. Từ đó, màu sơn dần phai nhạt, mất đi độ bóng, chiếc xe trở nên xỉn màu, trông cũ kỹ chỉ sau vài tháng.
Nếu tình trạng tiếp diễn, sơn sẽ bị nứt nẻ, bong tróc làm giảm nghiêm trọng giá trị thẩm mỹ của xe. Một chiếc xe mới đi vài năm có thể trông như xe đã sử dụng cả thập kỷ. Chi phí sơn lại xe không hề rẻ, dao động từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng, tùy theo diện tích và loại sơn.

Ảnh minh họa
Lốp xe lão hóa nhanh, dễ biến dạng và nổ lốp
Lốp được làm từ cao su, loại vật liệu rất nhạy cảm với nhiệt. Khi đậu xe dưới trời nắng, nhiệt độ lốp có thể vượt quá 70 độ C, làm cao su bị cứng, mất độ đàn hồi và dễ xuất hiện các vết nứt nhỏ. Nếu tiếp tục sử dụng lốp trong tình trạng này, nguy cơ bị nổ lốp khi đang chạy xe là rất cao, đặc biệt khi xe đang di chuyển ở tốc độ lớn trên đường cao tốc.
Ngoài ra, nhiệt độ cao cũng khiến áp suất bên trong lốp tăng đột ngột càng làm tình trạng nguy hiểm hơn. Đây là một rủi ro không thể xem thường, vì nổ lốp có thể dẫn đến tai nạn nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tính mạng người lái và hành khách.
Nội thất xe cũng bị hư hại nặng nề
Chỉ cần mở cửa chiếc xe vừa đậu ngoài trời vài tiếng, bạn sẽ cảm nhận ngay luồng khí nóng hầm hập phả vào mặt. Thực tế, nhiệt độ trong cabin có thể cao hơn ngoài trời từ 10–20 độ C, thậm chí chạm ngưỡng 60–70 độ C trong ngày nắng đỉnh điểm. Trong môi trường như vậy, các chi tiết nội thất như ghế da, bảng táp-lô, vô-lăng, bảng điều khiển – vốn được làm từ nhựa, da hoặc cao su sẽ nhanh chóng bị biến dạng, rạn nứt, phồng rộp.
Không chỉ mất thẩm mỹ, nội thất xuống cấp còn làm giảm giá trị xe và gây cảm giác khó chịu khi sử dụng. Đáng lo hơn, nhiệt độ cao còn làm phát tán các hợp chất hóa học độc hại trong vật liệu nội thất như formaldehyde, benzene... ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người sử dụng, đặc biệt là trẻ em, người già hoặc người có bệnh nền hô hấp.

Ảnh minh họa
Nguy cơ chập cháy từ hệ thống điện
Hầu hết các chức năng hiện đại trên ô tô đều liên quan đến hệ thống điện, từ đèn pha, điều hòa, kính chỉnh điện cho đến cảm biến, khóa cửa thông minh, khởi động máy... Nếu xe bị phơi nắng trong thời gian dài, lớp cách điện bên ngoài các đường dây sẽ nhanh chóng bị lão hóa, nứt gãy, dẫn đến rò rỉ hoặc chập mạch.
Khi hệ thống điện bị trục trặc, các thiết bị trên xe sẽ hoạt động chập chờn hoặc ngưng hẳn, thậm chí có thể xảy ra cháy nổ nếu gặp điều kiện thuận lợi. Những sự cố như “xe không nổ máy”, “điều hòa không chạy”, “cháy cầu chì” có thể xuất phát từ chính việc phơi xe ngoài trời quá lâu.
Làm gì để bảo vệ xe khỏi cái nắng thiêu đốt?
Đậu xe ở nơi có mái che, tầng hầm, dưới bóng cây lớn.
Trang bị rèm chắn nắng, tấm phủ kính lái, áo trùm xe chống UV.
Dán phim cách nhiệt để giảm nhiệt độ bên trong xe.
Khi trở lại xe sau khi đậu ngoài nắng, hãy mở cửa thông gió vài phút trước khi ngồi vào.