80 năm hành trình độc lập - tự do - hạnh phúc: Kinh tế Việt Nam - hành trình 80 năm vươn lên mạnh mẽ
LTS: Chúng ta đang hướng tới kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám thành công (19-8-1945 / 19-8-2025) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2-9-1945 / 2-9-2025). Ngay từ khi Nhà nước ta ra đời, tiêu ngữ 'độc lập-tự do-hạnh phúc' luôn gắn liền với Quốc hiệu. Có thể nói, 'độc lập', 'tự do', 'hạnh phúc' là mục tiêu, là khát vọng, là đích đến lớn nhất, bao quát nhất, thể hiện bản chất tốt đẹp của Nhà nước ta trong hành trình suốt 80 năm qua. Báo Quân đội nhân dân mở chuyên mục '80 năm hành trình độc lập-tự do-hạnh phúc' nhằm nhìn lại những thành tựu của đất nước ta trong suốt 80 năm qua, đồng thời gợi mở những vấn đề đang đặt ra để thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước trong giai đoạn mới.
Thời điểm mới thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa vào năm 1945, nền kinh tế Việt Nam vô cùng khó khăn, kiệt quệ. Trải qua 80 năm bền bỉ vượt mọi khó khăn, thách thức, trong đó có hàng chục năm chiến tranh, ngày nay, Việt Nam đã vươn lên thành nền kinh tế có quy mô GDP xếp thứ tư Đông Nam Á, đứng thứ 33 thế giới và đang sẵn sàng bước vào giai đoạn phát triển mới, hiện thực hóa quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta về việc xây dựng Việt Nam trở thành một nước phát triển, thu nhập cao.
Nền kinh tế thời chiến
Năm 1945, nền kinh tế Việt Nam kiệt quệ trong bối cảnh hàng triệu người vừa bị chết đói-hậu quả từ chính sách hà khắc của phát xít Nhật và thiên tai. Trong bối cảnh ấy, ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), dưới lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, “trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập”-hiện thực hóa ước mơ được làm chủ vận mệnh, vươn tới ấm no, hạnh phúc của hàng chục triệu đồng bào Việt Nam.
Sau thời khắc lịch sử ấy, ngoài việc gấp rút tổ chức tổng tuyển cử để toàn thể nhân dân Việt Nam lần đầu tiên được thực hiện quyền dân chủ, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã ưu tiên đẩy mạnh thực hiện đồng thời 3 cuộc chiến chống “giặc đói”, “giặc dốt” và giặc ngoại xâm. Kho bạc Nhà nước khi ấy gần như trống rỗng, nhưng trái lại, lòng yêu nước, thương nòi, chí căm thù giặc ngoại xâm, niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lại cao ngút trời.
Với niềm tin tuyệt đối của quần chúng cần lao và những người tiến bộ trong các tầng lớp, mọi chính sách diệt "giặc đói", diệt "giặc dốt", giặc ngoại xâm của Đảng Cộng sản Việt Nam đã được toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta nhiệt tình ủng hộ, đồng lòng thực thi. Kết quả, chỉ trong 3 tháng, từ tháng 9-1945 đến tháng 12-1945, diện tích trồng hoa màu ở miền Bắc tăng 3 lần. Nhờ vậy, nước ta cơ bản đã diệt được "giặc đói".
Song song với đó, Chính phủ cũng tập trung ban hành chính sách nhằm dần ổn định nền tài chính quốc gia, từng bước phát hành đồng tiền riêng thay thế hoàn toàn tiền Đông Dương do thực dân Pháp phát hành.

Nhìn lại toàn bộ hành trình 80 năm qua, thành tựu kinh tế Việt Nam đã đạt được là rất to lớn, ghi nhiều dấu ấn mang tính lịch sử. Ảnh minh họa: VGP
Tuy xây dựng, phát triển kinh tế trong bối cảnh thực dân Pháp đẩy mạnh chiến tranh xâm lược, nhưng với những chính sách đúng đắn, nền kinh tế nước ta ngày càng lớn mạnh, đóng vai trò quan trọng trong việc tập trung nguồn lực cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng, buộc thực dân Pháp phải ký kết Hiệp định Geneva, chấm dứt sự hiện diện của quân đội Pháp tại Đông Dương.
Thực dân Pháp rút, đế quốc Mỹ nhảy vào bảo trợ cho ngụy quyền, rồi nhanh chóng trực tiếp can dự quân sự, triển khai các chính sách xâm lược Việt Nam. Do vậy, từ năm 1954, Việt Nam thực hiện chiến lược xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, kháng chiến chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai ở miền Nam. Bấy giờ, đế quốc Mỹ liên tục tấn công với ý đồ “đưa miền Bắc Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá”, bóp nghẹt nền kinh tế còn nhiều khó khăn của miền Bắc.
Tuy nhiên, bom đạn giặc Mỹ không những không thể làm nhụt chí của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, trái lại, càng hun đúc ý chí quyết tâm phát triển kinh tế, đánh đuổi quân Mỹ xâm lược ra khỏi bờ cõi Việt Nam. Khắp miền Bắc Việt Nam, rất nhiều phong trào thi đua yêu nước, hăng hái lao động sản xuất được phát động và hưởng ứng sâu rộng như: “Sóng Duyên Hải”; “Gió Đại Phong”; “Ba đảm đang”; “Ba sẵn sàng”; “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”...
Với khí thế thi đua sục sôi như vậy, nền kinh tế miền Bắc đã tạo thế và lực, trở thành hậu phương lớn vững chắc, góp phần quan trọng đưa nước ta tới chiến thắng vĩ đại vào ngày 30-4-1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Công cuộc đổi mới vĩ đại
Hòa bình lập lại, nhân dân cả nước hân hoan bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội trên cả nước. Tuy nhiên, những di chứng nặng nề do chiến tranh để lại, rồi chính sách bao vây, cấm vận từ bên ngoài khiến đất nước ta rất khó khăn trong phát triển kinh tế. Bom đạn còn sót lại trên các khu vực nông-lâm trường vẫn khiến hàng chục nghìn người Việt Nam-hầu hết là lao động chính trong các gia đình thiệt mạng hoặc tàn phế. Cùng với đó, những chính sách kinh tế chưa thực sự phù hợp với thực tiễn cũng tạo ra không ít khó khăn, thậm chí khủng hoảng kinh tế.
Trước tình hình đó, năm 1986, Đảng ta đã dũng cảm thực hiện chính sách đổi mới, chuyển sang vận hành cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mở cửa và hội nhập quốc tế. Nhờ vậy, các nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội được bung ra mạnh mẽ. Kinh tế Việt Nam dần thoát khỏi khủng hoảng, ngày càng ổn định và phát triển.
Nhờ thành tựu của công cuộc đổi mới vĩ đại, đến nay, nền kinh tế Việt Nam đã vươn lên mạnh mẽ với quy mô GDP đứng thứ 33 trên thế giới, đạt 476,3 tỷ USD; trở thành một trong 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới về thương mại và thu hút đầu tư, xếp thứ 23 thế giới về kim ngạch xuất khẩu; là một trong số những nền kinh tế có độ mở lớn nhất thế giới với việc ký kết, tham gia 17 hiệp định thương mại tự do, trong đó có nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới...
Đặc biệt, trong giai đoạn nền kinh tế toàn cầu lâm vào tình trạng suy thoái, lạm phát cao do đại dịch Covid-19, nhờ những quyết sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta, Việt Nam đã nổi lên thành một điểm sáng nổi bật trên thế giới về thành tích phòng, chống dịch, phát triển kinh tế và ổn định vĩ mô.
Công cuộc đổi mới vĩ đại dưới sự lãnh đạo của Đảng đã đưa Việt Nam tới thành công vượt bậc như vậy. Đó là một hành trình phát triển kinh tế đầy khó khăn nhưng cũng rất đáng tự hào của đất nước Việt Nam anh hùng.
Mở ra giai đoạn phát triển mới
Ngày nay, Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa của giai đoạn phát triển mới, mang tính quyết định tới sự thành công của nỗ lực vượt qua bẫy thu nhập trung bình, trở thành nước phát triển, công nghiệp hiện đại, thu nhập cao.
Chúng ta bước vào giai đoạn phát triển mới với rất nhiều khó khăn, thách thức, khi các mô hình phát triển cũ đang trở nên trì trệ, kém hiệu quả. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư làm biến đổi nhanh chóng mọi mặt của kinh tế-xã hội. Chủ nghĩa bảo hộ đang trỗi dậy tạo ra nhiều thách thức với nỗ lực hợp tác kinh tế quốc tế. Nền kinh tế thế giới trở nên dễ bị tổn thương hơn bao giờ hết bởi sự đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu do hậu quả của dịch bệnh, thiên tai, căng thẳng thương mại và xung đột quân sự...
Trước thời cơ, thách thức mới-cũ đan xen, Đảng, Nhà nước ta luôn xác định tìm mọi cách để tận dụng những thuận lợi, biến thách thức thành cơ hội phát triển. Đảng đã ban hành “bộ tứ nghị quyết trụ cột” để đưa đất nước phát triển bứt phá, vững vàng bước vào giai đoạn phát triển mới và “bộ tứ nghị quyết trụ cột” này đã nhanh chóng được Quốc hội thể chế hóa để Chính phủ khẩn trương triển khai thực hiện.
Những chính sách mới bước đầu đang phát huy hiệu quả tích cực với việc tăng trưởng GDP quý II-2025 đạt mức cao nhất so với cùng kỳ suốt gần 20 năm qua (đạt 7,67%), tạo tiền đề quan trọng để hướng tới mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm nay và tăng trưởng hai con số trong những năm tiếp theo.
Nhìn lại toàn bộ hành trình 80 năm qua, thành tựu kinh tế Việt Nam đã đạt được là rất to lớn, ghi nhiều dấu ấn mang tính lịch sử. Tuy nhiên, Việt Nam không “ngủ quên trên chiến thắng” mà chủ động nhận diện rõ mọi khó khăn, thách thức, biến khó khăn, thách thức thành cơ hội để phát triển. Điều đó tạo niềm tin rất lớn về một tương lai phát triển đầy xán lạn cho nền kinh tế nước nhà.