6 giải pháp chuyển đổi số của Tổng cục Hải quan năm 2024

Năm 2023, việc triển khai các nhiệm vụ theo theo kế hoạch chuyển đổi số của ngành Hải quan đã đạt được những kết quả tích cực. Tổng cục Hải quan cho biết, để thúc đẩy công tác chuyển đổi số trong năm 2024, cơ quan này sẽ triển khai 6 nhóm giải pháp chính.

Quản lý, giám sát hạ tầng 24/7

Trong năm 2023, Tổng cục Hải quan đã tích cực tập trung nguồn lực để rà soát, hoàn thiện yêu cầu quy trình nghiệp vụ, yêu cầu danh sách chức năng, yêu cầu kỹ thuật, công nghệ; lập hồ sơ cấp độ an toàn thông tin để gửi cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; lập thiết kế cơ sở phục vụ xây dựng hồ sơ lập dự án; xây dựng báo cáo nghiên cứu khả thi để triển khai xây dựng hệ thống công nghệ thông tin thực hiện hải quan số đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ trong thông quan.

Năm 2023, Tổng cục Hải quan đạt được nhiều kết quả ấn tượng trong chuyển đổi số

Năm 2023, trong số 214 thủ tục hành chính do cơ quan Hải quan thực hiện, ngành Hải quan đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình cho 133 thủ tục và cung cấp dịch vụ công trực tuyến một phần 61 thủ tục.

Về kết nối Cơ chế Một cửa ASEAN, Tổng cục Hải quan cho biết, đến nay Việt Nam trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với tất cả 9 nước thành viên ASEAN; Trao đổi chính thức tờ khai hải quan với Campuchia, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Singapore và Philippines. Việt Nam cũng đang tiếp tục phối hợp với Ban Thư ký ASEAN và các nước ASEAN còn lại để trao đổi chính thức tờ khai hải quan ASEAN theo kế hoạch của ASEAN. Bên cạnh đó, ASEAN mở rộng trao đổi thông tin với các đối tác thương mại như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ...

Ngoài ra, trong năm 2023, Tổng cục Hải quan cũng đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong công tác quản lý nội ngành, tiếp tục hoàn thiện các nội dung để triển khai chính thức Hệ thống quản lý văn bản và điều hành (EdocCustoms); tổ chức hội nghị trực tuyến trong Ngành. Đảm bảo công tác quản lý, giám sát, vận hành hệ thống hạ tầng truyền thông toàn ngành Hải quan hoạt động 24/7 phục vụ các ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động nghiệp vụ. Quản trị hệ thống máy chủ ảo hóa, hệ thống lưu trữ tại Trung tâm dữ liệu tại Tổng cục Hải quan, hỗ trợ giám sát vận hành hệ thống máy chủ và lưu trữ tại các Cục Hải quan trên toàn quốc hoạt động 24/7.

Đến nay, Tổng cục Hải quan đã cơ bản hoàn thành xây dựng, tích hợp ứng dụng để tra cứu thông tin từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư qua Trục liên thông văn bản quốc gia (VDXP) đối với 03 dịch vụ do C06 cung cấp.

6 giải pháp chuyển đổi số ngành Hải quan

Để triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số trong năm 2024, ngành Hải quan cho biết, sẽ tập trung thực hiện 06 nhóm giải pháp chính.

Thứ nhất, đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, kỹ năng số, tăng cường tương tác với người dân, doanh nghiệp nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng số cho cán bộ, công chức hải quan ở tất cả các cấp, các lĩnh vực một cách rộng rãi, qua nhiều kênh khác nhau, khuyến khích việc tăng cường tương tác giữa cán bộ, công chức Hải quan tương tác với người dân, doanh nghiệp sử dụng công nghệ số (thiết bị di động, mạng xã hội, các kênh thông tin phi truyền thống khác).

Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân, doanh nghiệp có sử dụng hệ thống công nghệ thông tin của Tổng cục Hải quan thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua thư điện tử, ứng dụng di động trực tuyến đến người dùng.

Thứ hai, đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ của Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư phù hợp với thực tiễn quản lý nhà nước về hải quan; chủ động nghiên cứu các công nghệ của Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư và từng bước ứng dụng trong công tác quản lý nhà nước về hải quan như: Internet vạn vật (IoT), Dữ liệu lớn (Bigdata), Điện toán đám mây (Cloud computing) và Trí tuệ nhân tạo (AI), ... Đồng thời, tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp, tổ chức, trường đại học, các trung tâm nghiên cứu công nghệ của Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư trong quản lý nhà nước về hải quan.

6 giải pháp chuyển đổi số ngành Hải quan năm 2024

Thứ ba, đảm bảo nguồn lực triển khai chuyển đổi số, cụ thể tăng cường gắn kết, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có chuyên môn về công nghệ thông tin, an toàn thông tin; đẩy mạnh đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về công nghệ thông tin hải quan, tập trung vào các đối tượng là lãnh đạo quản lý công nghệ thông tin, cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin có trình độ chuyên môn sâu trên các lĩnh vực phân tích thiết kế, phát triển và duy trì đảm bảo hệ thống và công chức trực tiếp sử dụng hệ thống thông qua triển khai các hệ thống ứng dụng.

Ngoài ra, Tổng cục Hải quan cũng sẽ tiếp tục hoàn thiện quy trình tuyển dụng, phát hiện, đào tạo, quy hoạch và bổ nhiệm, bố trí cán bộ để khắc phục việc thiếu công chức chuyên trách công nghệ thông tin trình độ cao. Bố trí công chức chuyên trách công nghệ thông tin gắn với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, dựa trên các tiêu chuẩn về chuyên môn, trình độ của cán bộ; nghiên cứu, đề xuất trình cấp có thẩm quyền ban hành chế độ đãi ngộ hợp lý đối với cán bộ làm công tác chuyển đổi số.

Thứ tư, thúc đẩy hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm và tăng cường hợp tác quốc tế, đẩy mạnh hợp tác, học tập kinh nghiệm của Hải quan các nước tiên tiến nhằm đẩy mạnh ứng dụng các giải pháp công nghệ trong xây dựng và triển khai các hệ thống công nghệ thông tin hải quan.

Thứ năm, các giải pháp tài chính nhằm đảm bảo sử dụng có hiệu quả, đúng quy định của pháp luật nguồn vốn ngân sách nhà nước trong công tác chuyển đổi số; tranh thủ sự hỗ trợ, viện trợ của các nước, các tổ chức quốc tế, các đối tác trong và ngoài nước trong quá trình triển khai ứng dụng công nghệ thông tin; huy động các nguồn lực để triển khai các đề án, dự án ứng dụng công nghệ thông tin với quan điểm ứng dụng công nghệ thông tin là nền tảng để thực hiện Chiến lược Phát triển Hải quan Việt Nam.

Thứ sáu, các giải pháp tổ chức thực hiện, chỉ đạo, điều hành và quản lý việc tổ chức triển khai kế hoạch chuyển đổi số cũng được áp dụng nhằm triển khai theo đúng kế hoạch đã được phê duyệt. Đồng thời, tăng cường phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức có liên quan để thực hiện hiệu quả triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực hải quan; thường xuyên, định kỳ kiểm tra, đánh giá tình hình triển khai chuyển đổi số và những vấn đề còn tồn tại để có các giải pháp điều chỉnh kịp thời.

Việc cụ thể hóa các giải pháp và hoạt động triển khai kế hoạch chuyển đổi số là cơ sở để cơ quan Hải quan thực hiện triển khai kế hoạch chuyển đổi số, cải cách và hiện đại hóa. Đồng thời, giúp cán bộ, công chức ngành Hải quan phát huy sức mạnh trong toàn ngành, thực hiện thành công các mục tiêu đề ra trong Kế hoạch Chuyển đổi số của ngành Hải quan năm 2024.

Phùng Xuân

Nguồn Thị Trường Tài Chính: https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/tai-chinh/6-giai-phap-chuyen-doi-so-cua-tong-cuc-hai-quan-nam-2024-123196.html
Zalo