6 biến chứng nguy hiểm thường gặp ở bệnh gout

Gout cần được điều trị ngay lập tức sau khi phát hiện bệnh. Nếu để lâu có thể tăng cao rủi ro tử vong do những biến chứng của bệnh gout gây nên.

Biến chứng bệnh gout thường xảy ra với những người có sức đề kháng yếu, có bệnh sử mắc những bệnh cơ xương khớp liên quan, từng mắc bệnh về thận. Bệnh gout có thể gia tăng đáng kể nguy cơ gặp các vấn đề tim mạch như suy tim, đau tim và đột quỵ.

Dù không gây tử vong trực tiếp nhưng việc trì hoãn hoặc không điều trị gout sẽ khiến người bệnh đối mặt với những biến chứng nguy hiểm, là một mối đe dọa lớn cho tính mạng người bệnh.

Gout cần được điều trị ngay lập tức sau khi phát hiện bệnh.

Gout cần được điều trị ngay lập tức sau khi phát hiện bệnh.

Những nguyên nhân, yếu tố khiến bệnh gout trở nặng

Điều này liên quan đến lượng acid uric trong cơ thể, nếu lượng acid uric không giảm trong thời gian dài bệnh gout sẽ tiến triển năng hơn, tiềm ẩn nguy cơ biến chứng hơn.

Người bệnh không thực hiện đều trị theo chỉ định từ bác sĩ, không làm giảm được nồng độ acid uric trong máu.
Chế độ dinh dưỡng của người bệnh: tiêu thụ quá nhiều thức ăn giàu đạm, sử dụng rượu bia với tần suất cao cũng sẽ khiến bệnh trở nên nặng hơn.
Tăng cân bất thường, thừa cân, béo phì.

Những biến chứng hay gặp ở bệnh gout

Hạt tophi

Hạt xuất hiện xung quanh khớp, xảy ra với những người mắc bệnh gout lâu năm. Các hạt tinh thể này có hình dạng như các nốt sần, căng phồng bên dưới da tại vị trí như bàn chân, đầu gối, cổ tay, ngón tay, gân gót chân,…Khu vực xung quanh các vùng hạt tophi có hiện tượng nóng, mềm, hạt bị sưng đau. Người bệnh cảm thấy khó cử động khớp, giảm biên độ chuyển động gây ra bất tiện trong sinh hoạt.

Biến dạng khớp

Biến chứng tổn thương và biến dạng khớp thường xảy ra ở người bị gút mạn tính, tình trạng sưng tấy tại khớp viêm xảy ra thường xuyên. Viêm khớp gout mạn tính có thể dẫn đến tình trạng tổn thương khớp vĩnh viễn, từ đó gây biến dạng và cứng khớp. Việc này sẽ ảnh hưởng rất lớn để vận động của người bệnh lâu dài.

Các bệnh về thận

Việc dư thừa acid uric trong thời gian dài sẽ dẫn sự kết tủa muối urat. Từ đó, tạo ra sỏi acid uric trong thận. Bệnh lý thận và suy thận phát triển từ sỏi thận acid uric. Các khối sỏi làm tăng nguy cơ tổn thương thận, thậm chí để lại sẹo khiến cho thận bị suy giảm chức năng, và là tiền đề của suy thận.

Bệnh tim mạch

Người bị gout thường có nguy cơ đau tim và đột quỵ tăng cao gấp 2 lần so với bình thường. Nguyên nhân của biến chứng này là do acid uric khiến tích tụ các tinh thể urat, hình thành các cục máu đông. Biến chứng bệnh gout liên quan đến tim mạch rất nguy hiểm vì người bệnh sẽ có nguy cơ tử vong do suy tim, tỷ lệ gấp 2 lần so với người chưa từng bị bệnh gout.

Rối loạn giấc ngủ

Có rất nhiều người bệnh gout gặp vấn đề với giấc ngủ, đó là bởi vì cơn đau gout thường xảy ra vào buổi đêm, cường độ cơn đau gây khó chịu và đôi lúc đánh thức người bệnh. Ngoài ra, biến chứng còn khiến người bệnh mệt mỏi, căng thẳng, dễ dàng mắc phải hàng loạt những vấn đề sức khỏe do mất ngủ.

Giảm mật độ xương

Người bị gout làm giảm mật độ xương bởi vì tình trạng viêm sưng tại các khớp, xuất hiện hạt tophi làm tổn hại trực tiếp đến xương, tăng cao nguy cơ mắc các bệnh lý khác về xương khớp, điển hình là loãng xương, biến chứng gãy xương.

Để bệnh gout không tiến triển nặng, người bênh cần duy trì chế độ dinh dưỡng khoa học, đầy đủ các vitamin cũng như khoáng chất, kiểm soát được lượng chất nạp vào trong cơ thể.

Để bệnh gout không tiến triển nặng, người bênh cần duy trì chế độ dinh dưỡng khoa học, đầy đủ các vitamin cũng như khoáng chất, kiểm soát được lượng chất nạp vào trong cơ thể.

Lời khuyên của thầy thuốc

Để bệnh gout không tiến triển nặng, người bênh cần duy trì chế độ dinh dưỡng khoa học, đầy đủ các vitamin cũng như khoáng chất, kiểm soát được lượng chất nạp vào trong cơ thể. Việc uống thuốc điều trị gout hoặc các loại thuốc chống viêm, giảm đau cũng đều cần tham vấn và uống theo liều lượng được bác sĩ chỉ định.

Những phương pháp giúp giảm nguy cơ biến chứng bệnh gout mà bạn có thể tham khảo:

Hạn chế những thực phẩm giàu purine, hạn chế hoặc không uống rượu, nước trái cây đóng hộp và nước ngọt để giảm sự tích tụ aicd uric.
Uống nhiều nước để hỗ trợ thúc đẩy quá trình giảm nồng độ acid uric trong máu.
Duy trì cân nặng vừa phải.
Thường xuyên luyện tập, chơi thể thao để nâng cao sức khỏe chung.
Thường xuyên kiểm tra các chỉ số huyết áp, đường trong máu, chức năng thận và mật độ xương định kỳ.

Bs. Trần Thu Hoa

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/6-bien-chung-nguy-hiem-thuong-gap-o-benh-gout-169241210101938038.htm
Zalo