5 cây cầu đáng sợ nhất hành tinh: Du khách đứng không vững vẫn mê mẩn check-in
Với kiến trúc độc đáo, những cây cầu đẹp nhất thế giới tựa như những tác phẩm nghệ thuật từ thiên nhiên nhưng không thể ẩn giấu nỗi sợ hãi.
Rakotz Brucke ở Đức hay Langkawi Sky, Shaharal là những cây cầu có tuổi đời hàng thế kỷ nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp khiến du khách ngỡ ngàng. Hãy cùng điểm danh 5 cây cầu đẹp và kỳ lạ nhất thế giới thu hút nhiều du khách đến check-in.
Cầu Rakotzbrücke ở Kromlau
Rakotzbrücke, còn được biết đến với tên gọi “Cầu Quỷ”, nằm trong khuôn viên Công viên Azalea và Rhododendron Kromlau (Saxony, Đức) là công trình mang đầy tính nghệ thuật hơn mang chức năng giao thông như thông thường.

Cầu Rakotzbrücke ở Kromlau mang kiến trúc độc đáo.
Cầu Rakotzbrücke được khởi công từ năm 1866 và hoàn thiện vào khoảng năm 1875 dưới sự chỉ đạo của chủ sở hữu đồn điền Friedrich Herrmann Rötschke. Cây cầu làm bằng đá bazan và dài gần 19,8m.
Cây cầu từng được ví như “công trình của quỷ dữ” do dáng vẻ kỳ dị và độ cong thoải đến mức bất thường - người xưa từng nghĩ chỉ có quỷ mới xây được kiểu cầu như vậy. Tuy nhiên, nhiều nhà sử học khẳng định toàn bộ công trình do con người xây dựng.
Suốt bốn mùa trong năm, cầu Rakotzbrücke là địa điểm thu hút khách du lịch đến tham quan, do sự biến đổi của cảnh sắc xung quanh. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý, việc đi bộ trên cầu sẽ bị cấm vì mục đích bảo tồn di sản này cho thế hệ mai sau.
Cầu Langkawi Sky (Malaysia)
Cầu Langkawi Sky, bắc trên đỉnh hai ngọn núi thuộc núi Mat Cincang (Gunung Mat Chinchang), cao khoảng 660 m so với mực nước biển. Với thiết kế dạng cầu đi bộ dây văng, cây cầu dài 125 m, rộng khoảng 1,8 m, nổi bật với hai khu vực nền kính minh bạch cho phép du khách phóng tầm nhìn từ trên cao xuống thung lũng rừng xanh bao quanh.

Cầu Langkawi Sky có sức chưa lên đến 250 người cùng lúc.
Việc xây dựng cây cầu có cấu trúc độc lạ như vậy không hề dễ dàng. Đội ngũ chuyên môn phải tính đến các yếu tố như cân bằng kết cấu từ đỉnh cột chống, kiểm soát trọng lượng và phân bổ một cách tối ưu. Nhờ đó, cây cầu có thể chịu được sức nặng của 250 người cùng lúc.
Đây là một trong số ít những cây cầu trên thế giới được xây dựng lơ lửng trên không tạo cảm giác mạnh cho du khách. Đặc biệt, thiết kế uốn cong của cây cầu còn giúp du khách trải nghiệm nhiều góc nhìn khác biệt khi di chuyển, từ cảnh đá núi rừng đến biển Andaman và các đảo lân cận, thậm chí có thể nhìn thấy đất liền Thái Lan vào ngày trời quang.
Cầu bện từ rễ cây (Ấn Độ)
Tại khu vực Cherrapunji, thuộc bang Meghalaya ở đông bắc Ấn Độ, người dân bộ tộc Khasi đã phát triển một kỹ thuật độc đáo: trồng và hướng rễ cây để tạo thành cầu sống tự nhiên.
Theo người dân địa phương, cây đa búp đỏ hay còn gọi đa cao su (tên khoa học Ficus elastica) được trồng hai bên bờ. Trong quá trình cây phát triển trưởng thành (khoảng 15 - 30 năm) sẽ tạo ra bộ rễ trụ thòng xuống vững chắc.

Cây cầu rất vững chắc và không cần bảo dưỡng.
Trong thời gian đó, người Khasi luồn những sợi rễ cây qua giàn tre được lắp đặt tạm thời để cố định rễ. Trải qua thời gian, bộ rễ ngày càng phát triển và kết dính chặt với nhau, hình thành nên "những cây cầu sống" độc đáo có chiều dài từ 4,5 - 75m và có thể chịu được tải trọng của 35 người mỗi lần đi qua.
Dù khu vực này thường xảy ra mưa lớn, lũ quét và nhiều trận bão, nhưng những cây cầu này vẫn đứng vững, giúp kết nối các ngôi làng hẻo lánh nằm rải rác của vùng Meghalaya lại với nhau.
Cầu Moses (Hà Lan)
Trong khi hầu hết những cây cầu đều được xây dựng trên mặt nước thì cầu Moses ở Fort de Roovere, thuộc thị trấn Halsteren, Hà Lan lại được xây dựng dưới nước. Các bức tường của cây cầu giống như một con đập giữ nước với cấu trúc hài hòa với môi trường xung quanh.
Nhìn từ hai bên bờ, du khách sẽ thấy rõ cây cầu rẽ nước như thế nào. Hình ảnh này gợi đến câu chuyện về nhà tiên tri Moses, người được Chúa trời rẽ nước biển Đỏ cứu dân Israel khỏi gươm đao của đạo quân Ai Cập. Đây cũng chính là lý do nó được đặt tên là cầu Moses.

Chỉ với hơn 8 tỷ, Hà Lan đã xây dựng được cây câu độc đáo nhất thế giới.
Để chống thấm nước và mục nát, khi xây dựng cây cầu này người dân Hà Lan lựa chọn loại gỗ nhiệt đới tốt nhất thế giới, vốn có khả năng chống ăn mòn cao hơn những loại gỗ khác. Ngoài ra, họ còn sơn một lớp kháng khuẩn không độc hại lên bề mặt gỗ và bọc trong giấy nhôm.
Đặc biệt, vào mùa đông, hào nước xung quanh cây cầu sẽ đóng băng hoàn toàn và trở thành sân trượt băng tự nhiên cho du khách.
Cầu Shaharal
Cầu Shaharal được biết đến là cây cầu "kỳ quặc" nhất thế giới, tồn tại suốt 400 năm nhưng vẫn chưa có lời giải. Cây cầu là biểu tượng của sự kiên cường của người Yemen.
Nó nằm về phía tây nam của Shaharah, một thành phố thuộc vùng hành chính Amran, cách thủ đô Sanaa khoảng 100km về phía tây bắc. Cầu Shaharal nằm giữa hai ngọn núi al-Amir và núi Faish, cây cầu bắc qua hẻm núi sâu khoảng 90m và ở độ cao khoảng 2.600m so với mực nước biển.

Cây cầu là con đường duy nhất nối hai ngôi làng tại Shaharah lại với nhau.
Cây cầu này là công trình vòm dành cho người đi bộ, xây dựng từ đá vôi. Cầu có đường mòn dẫn từ hai phía đầu cầu, nối từ vùng núi gần đó và được trang trí bằng những bậc thang.
Dù được xây dựng với công nghệ hiện đại, nhưng việc xây dựng kiểu cầu như vậy vẫn gặp không ít khó khăn. Tính đến thời điểm hiện tại, cây cầu này tồn tại hơn 400 năm và vẫn nằm vững chãi giữa vách đá.
Trước khi Yemen xảy ra nội chiến thì cầu Shaharah vẫn được xem là là một trong những điểm thu hút du lịch, đặc biệt với những người yêu phiêu lưu và muốn đi bộ để thưởng thức cảnh đẹp. Theo thời gian, cây cầu được mọi người đặt biệt danh là “Cầu Than Thở” với vẻ đẹp ngoạn mục khiến bất cứ ai khi đi qua cây cầu cũng phải trầm trồ khen ngợi.