3 tuyến cáp quang biển gặp sự cố khiến internet Việt Nam chập chờn

3 trong số 5 tuyến cáp quang biển kết nối internet Việt Nam với thế giới đang gặp sự cố, khiến cho đường truyền dịch vụ quốc tế bị ảnh hưởng đáng kể.

Có 3/5 tuyến cáp quang biển của Việt Nam gặp sự cố. (Ảnh: Reuters)

Có 3/5 tuyến cáp quang biển của Việt Nam gặp sự cố. (Ảnh: Reuters)

Theo thông tin mới cập nhật thì hiện tại chỉ còn 2 tuyến cáp quang biển đang hoạt động bình thường, đảm nhiệm việc kết nối internet đi quốc tế.

Nguyên nhân là do sự cố đồng thời xảy ra trên 3 tuyến cáp quang biển còn lại. Tuyến cáp mới nhất gặp vấn đề là tuyến IA (Intra-Asia), sự cố xảy ra vào ngày 13/6 trên nhánh S1 hướng đi Singapore. Ngoài ra, hai tuyến cáp quang biển khác là APG (gặp sự cố từ tháng 3) và AAE-1 (phát hiện vấn đề hôm 23/5) cũng vẫn chưa được sửa chữa và khôi phục đường truyền.

Việc 3 tuyến cáp quang biển cùng lúc gặp sự cố khiến cho chất lượng internet kết nối quốc tế của người dùng bị ảnh hưởng, đặc biệt là vào giờ cao điểm.

Hiện tại, Việt Nam đang có 5 tuyến cáp quang biển quốc tế, bao gồm AAG, AAE-1, APG, IA và SMW3, cập bờ tại 2 trạm ở Đà Nẵng và Vũng Tàu.

Trong khoảng thời gian vừa qua, cả 5 tuyến cáp quang biển này đều lần lượt gặp sự cố, gây ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ internet và hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp công nghệ. Nhằm khắc phục tình trạng này, các nhà mạng lớn trong nước đang tham gia đầu tư và phát triển hai tuyến cáp quang biển mới có băng thông lớn, bao gồm Asia Direct Cable (ADC) và The Asia Link Cable (ALC).

Tuyến cáp quang biển ADC sẽ kết nối đến 3 điểm trung tâm internet lớn nhất châu Á (Hong Kong, Nhật Bản, Singapore). Đường dây này sử dụng trạm cập bờ tại Quy Nhơn và có sự tham gia đầu tư của Viettel và VNPT.

Tuyến cáp quang biển The Asia Link Cable sẽ kết nối Việt Nam với Hong Kong và Singapore. FPT Telecom đã công bố đầu tư vào hệ thống này vào giữa năm 2023, trong khi Viettel cho biết họ là nhà đầu tư Việt Nam đóng góp nhiều nhất cho dự án.

Mục tiêu của chiến lược phát triển cáp quang biển quốc gia là đến năm 2030, Việt Nam sẽ nâng tổng số tuyến cáp quang biển lên tối thiểu 15 tuyến với tổng dung lượng ít nhất đạt 334 Tbps.

Đồng thời, trong số này phải có ít nhất 2 tuyến cáp quang biển do Việt Nam làm chủ. Ưu tiên sẽ được dành cho các tuyến cáp quang biển ngắn, kết nối trực tiếp đến các trung tâm internet lớn ở khu vực châu Á.

Việc triển khai các tuyến cáp quang biển mới hứa hẹn sẽ giúp cải thiện đáng kể chất lượng internet tại Việt Nam, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dùng và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Hoàng Vũ

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/3-tuyen-cap-quang-bien-gap-su-co-khien-internet-viet-nam-chap-chon-384526.html
Zalo