3 Sở, 2 huyện kiểm tra đột xuất nhà máy nước sạch ở Hà Nam

Đoàn liên ngành gồm đại diện 3 sở và 2 huyện cùng chính quyền địa phương đã tiến hành kiểm tra đột xuất Nhà máy nước sạch Đồng Du. Đây là nhà máy nước sạch có hàm lượng Nitrit vượt ngưỡng cho phép mà báo Tiền Phong đã phản ánh.

Liên quan đến vụ việc Nhà máy nước sạch Đồng Du (xã Đồng Du, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam) có hàm lượng Nitrit vượt ngưỡng cho phép nhiều lần, ngày 4/7 Đoàn liên ngành của tỉnh Hà Nam đã tiến hành kiểm tra đột xuất tại nhà máy.

Theo đó, Đoàn liên ngành có đại diện 3 sở và 2 huyện gồm Sở NN&PTNT, Sở Y tế, Sở TN&MT, UBND huyện Lý Nhân, UBND huyện Bình Lục đã làm việc với Nhà máy nước sạch Đồng Du. Ngoài ra, đại diện UBND 5 xã sử dụng nước sạch của nhà máy này cũng đã dự buổi làm việc.

Tại buổi kiểm tra, đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Nam (CDC Hà Nam) đã công bố quyết định ngoại kiểm đột xuất đối với Nhà máy nước sạch Đồng Du.

Trước đó, sau khi báo Tiền Phong thông tin về đề nước sạch của Nhà máy nước sạch Đồng Du có hàm lượng Nitrit (một chất có khả năng gây ung thư), chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo thành lập Đoàn liên ngành để xác minh, làm rõ.

Đoàn liên ngành kiểm tra khu vực sông Châu Giang.

Đoàn liên ngành kiểm tra khu vực sông Châu Giang.

Đoàn liên ngành kiểm tra khu vực hồ chứa nước của nhà máy.

Đoàn liên ngành kiểm tra khu vực hồ chứa nước của nhà máy.

Tại buổi kiểm tra, Đoàn liên ngành đã khảo sát hiện trạng nguồn nước đầu vào của Nhà máy nước sạch Đồng Du, chất lượng nước đầu ra, quy trình vận hành của nhà máy, công tác quản lý, kiểm soát chất lượng nước đầu vào và đầu ra của nhà máy, công tác quản lý duy trì hoạt động của nhà máy, mạng lưới truyền tải cấp nước sạch và tuyến ống dịch vụ.

Ngoài ra, Đoàn liên ngành cũng đã tiến hành lấy mẫu nước để xét nghiệm theo quy định.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với báo Tiền Phong, ông Nguyễn Đăng Định, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Lục cho biết sau khi nhận được phản ánh của báo Tiền Phong, UBND huyện đã yêu cầu các phòng chuyên môn (gồm TN&MT, NN&PTNT, Y tế và Trung tâm Y tế huyện) xác minh, làm rõ.

Đoàn liên ngành làm việc với đại diện nhà máy.

Đoàn liên ngành làm việc với đại diện nhà máy.

Theo ông Định, nguyên nhân chất lượng nước sạch không đảm bảo là do chất lượng nước đầu vào. Cụ thể, sông Châu Giang là dòng sông "tù" nên nước không lưu thông được. Hơn nữa, ý thức người dân trong bảo vệ môi trường chưa cao, nhiều gia đình xả thẳng nước thải sinh hoạt, chăn nuôi xuống sông. Nhất là khoảng 3-4 năm trước, khi nhiều trang trại chăn nuôi lợn được xây dựng và đi vào hoạt động... khiến chất lượng nước đầu vào không đảm bảo.

UBND huyện đã yêu cầu các phòng chuyên môn phối hợp với các Đoàn kiểm tra xác minh, làm rõ, từ đó tham mưu với UBND kiểm tra, giám sát chất lượng nước sinh hoạt cho nhân dân. Đồng thời, UBND huyện yêu cầu UBND các xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân chung tay bảo vệ môi trường và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định. Trường hợp để người dân đổ chất thải, rác thải sai quy định, chủ tịch UBND xã phải chịu trách nhiệm trước UBND huyện.

Một khúc sông Châu Giang.

Một khúc sông Châu Giang.

Đối với công ty TNHH Mỹ Đà (đơn vị quản lý nhà máy nước sạch Đồng Du), UBND huyện yêu cầu đơn vị thường xuyên thau rửa hệ thống sản xuất nước sạch như bể tụ keo, bể lắng, bể chứa. Công ty phải thực hiện đúng quy trình xử lý nước và có giải pháp thay thế, nâng cấp hệ thống xử lý nước sạch và áp dụng công nghệ nước để đảm bảo chất lượng nước. Đồng thời, thực hiện nghiêm tần suất nội kiểm, ngoại kiểm chất lượng nước sạch và công khai kết quả thử nghiệm các thông số chất lượng nước sạch của nhà máy nước.

Ông Định cũng cho biết trên địa bàn huyện Bình Lục có 8 nhà máy máy nước sạch. UBND huyện cũng xác định nước sạch và môi trường là vấn đề quan trọng với sức khỏe nhân dân. Do đó, UBND huyện kiến nghị với các Ban của HĐND huyện đưa vấn đề nước sạch và vệ sinh môi trường vào chương trình giám sát của HĐND huyện.

Trước đó, báo Tiền Phong đã thông tin thời gian gần đây chất lượng nước sạch của Nhà máy nước Đồng Du không đảm bảo. Ngay sau đó, Công ty TNHH Xây dựng Mỹ Đà đã lấy mẫu nước mặt sông Châu Giang xét nghiệm. Kết quả thử nghiệm lấy mẫu với kết quả ban hành ngày 24/6 do Trung tâm kiểm nghiệm TSL Hà Nội thực hiện cho thấy hàm lượng Nitrit trong mẫu nước mặt sông Châu Giang là 1,35mg/l (QCVN 08/2023/BTNMT: 0,05mg/l), vượt ngưỡng cho phép 27 lần. Đại diện công ty cho rằng nguyên nhân nước sạch có hàm lượng Nitrit cao là do nước mặt sông Châu Giang bị ô nhiễm nặng.

Nhà máy nước sạch Đồng Du hiện cung cấp nước sạch cho 5 xã với khoảng 10.400 hộ.

Nhà máy nước sạch Đồng Du.

Nhà máy nước sạch Đồng Du.

Ngay khi có kết quả nước sạch nhiễm Nitrit, nhà máy đã có văn bản khuyến cáo gửi người dân 5 xã không nên sử dụng cho ăn uống trong thời gian nguồn nước sạch đang bị ô nhiễm.

Trước mắt nhà máy khoanh vùng, giảm lượng nước cấp so với hiện nay để nâng cấp chất lượng nước sạch. Đồng thời, nhà máy bơm nước mặt lên hồ sơ lắng của nhà máy vào thời điểm nước ngoài sông Châu Giang dâng cao hoặc khi thời tiết mưa nhiều, mưa lớn. Ngoài ra, nhà máy cũng sẽ giảm thiểu hàm lượng Nitrit bằng cách tạo bông kết tủa để hàm lượng Nitrit sẽ bị lôi cuốn một phần, cùng với các hạt bông kết tủa và được lắng xuống đáy bể.

Công ty cũng đề nghị UBND huyện Bình Lục, Sở NN&PTNT trình UBND tỉnh Hà Nam cho phép doanh nghiệp tiến hành triển khai thi công Dự án đập Quang Trung - Vĩnh Trụ. Việc triển khai dự án này nằm điều tiết, lấy nước sông Hồng, sông Đáy... vào hệ thống, lưu thông nguồn nước và thau rửa thường xuyên sông Châu Giang. Công ty đề xuất được tự bỏ vốn đầu tư, nâng cấp công nghệ xử lý nước phù hợp khi được cấp có thẩm quyền cho phép.

Thanh Hiếu

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/3-so-2-huyen-kiem-tra-dot-xuat-nha-may-nuoc-sach-o-ha-nam-post1652317.tpo
Zalo