10ha 'Rừng An Lành' đánh dấu hành trình 10 năm của Cỏ Mềm

Từ những ngọn đồi trọc cháy nắng đến màu xanh hy vọng, dự án 'Rừng An Lành' của Cỏ Mềm là lời hồi đáp dịu dàng với thiên nhiên đang oằn mình trước biến đổi khí hậu.

Vì thiên nhiên có tất cả mọi thứ ta cần

Ra đời với sứ mệnh chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp của con người bằng những sản phẩm có nguồn gốc nguyên liệu từ thiên nhiên , suốt 10 năm qua, thương hiệu Cỏ Mềm đã có hành trình bền bỉ lan tỏa những sản phẩm lành và thật, nhưng đồng thời cũng không quên “trả ơn” thiên nhiên bằng những dự án có ý nghĩa với môi trường. Dự án “Rừng An Lành” ra đời từ một sự biết ơn như thế. Từ năm 2022, Cỏ Mềm đã bắt đầu gieo những mầm cây đầu tiên tại Ninh Thuận, rồi đến Sơn La với mục tiêu phủ xanh những cánh rừng đang chịu tổn thương vì tác động của biến đổi khí hậu.

 Dự án trồng rừng năm 2022 tại Ninh Thuận của Cỏ Mềm

Dự án trồng rừng năm 2022 tại Ninh Thuận của Cỏ Mềm

Sau cơn bão số 3 năm 2024, tỉnh Sơn La đã mất đi hơn 100ha rừng. Và mới đây, thêm 6,05ha đất lâm nghiệp đang khoanh nuôi tái sinh ở bản Mầu Thái, xã Phổng Lập, huyện Thuận Châu, cũng chìm trong biển lửa. Trước những mất mát đó, một lần nữa, chuyến xe yêu thương của Cỏ Mềm lại được thôi thúc lên đường.

“Trên địa bàn xã Phổng Lập có khoảng 1.800 ha rừng, phần lớn đã được giao về cộng đồng từ năm 2002. Năm nay, mất mát là không nhỏ. Ngoài ngân sách Nhà nước, chúng tôi kêu gọi thêm các doanh nghiệp, tổ chức xã hội cùng phối hợp để tìm giải pháp khôi phục rừng.” - Anh Bùi Xuân Mạnh, kiểm lâm viên huyện Thuận Châu bộc bạch.

Ở đâu khó, có Cỏ Mềm

Mùa mưa tháng 6 là thời điểm lý tưởng để gieo trồng những mầm cây non mới, nhưng cũng vì mưa mà con đường lên vùng cao Tây Bắc lại càng trở nên gian khó.

Sau 7 tiếng di chuyển từ Hà Nội đến thành phố Sơn La, đoàn công tác Cỏ Mềm cùng các chuyên gia, cán bộ kiểm lâm phải đi thêm 1,5 tiếng đồng hồ nữa để vào bản Mầu Thái của huyện Thuận Châu. Chiếc xe chật vật đi qua những đoạn đường vừa bé, vừa lầy lội, nhưng sự vất vả này dường như không làm khó được những người thực hiện dự án.

 Đoàn công tác phải đi bộ để lên đến khu vực trồng rừng

Đoàn công tác phải đi bộ để lên đến khu vực trồng rừng

Anh Vũ Bảo Linh, đại diện Cỏ Mềm chia sẻ: “Như một triết lý bất thành văn, trồng rừng là hoạt động mà Cỏ Mềm sẽ luôn bền bỉ làm để tạo giá trị cho cộng đồng. Chúng tôi muốn bảo vệ sự bền vững của Trái đất bằng sự chân thành, làm thật tạo giá trị thật. Chúng tôi không chọn dự án dễ, không chọn thứ có nhiều người làm, không vì truyền thông bóng bẩy, mà thực sự phải trả lời được các câu hỏi: nó mang hiệu quả cho ai? nó có giải quyết được vấn đề cốt lõi của phát triển bền vững không?”

Tính đến năm 2025, dự án “Rừng An Lành” đã phủ xanh tổng cộng hơn 10ha rừng tại hai tỉnh Ninh Thuận và Sơn La, mang đến sức sống mới cho nhiều vùng đất. 2000 cây xanh góp vào 2ha rừng phòng hộ hồ Tân Giang, Ninh Thuận năm 2022 có tỷ lệ sống đạt 93.6%. 2ha rừng đầu nguồn ở Chiềng La, Thuận Châu năm 2024 đến nay cũng đang phát triển ổn định trong bối cảnh điều kiện khắc nghiệt. Tiếp tục trong năm 2025, 6000 cây lát hoa, cây giổi được trồng để hồi sinh 6ha rừng bị cháy.

 Các thành viên của dự án Rừng An Lành 2025

Các thành viên của dự án Rừng An Lành 2025

Chị Lê Hồng Liên, Quản lý chương trình của Trung tâm Phát triển Nông thôn bền vững SRD chia sẻ: “Một mô hình được coi là bền vững khi có sự phối hợp giữa 4 bên: cộng đồng, chính quyền địa phương, tổ chức xã hội và doanh nghiệp. Với sự chung tay của các bên, khu rừng của chúng ta có điều kiện thuận lợi để được bảo vệ trong thời gian tới. Đặc biệt khi diện tích trồng rừng là rừng phòng hộ, có sự quản lý chặt chẽ của lực lượng kiểm lâm theo quy định của pháp luật.”

 Lát hoa và giổi xanh là 2 loại cây gỗ lớn, có bộ rễ tốt, tầng tán tốt, có chức năng lưu giữ nguồn nước, hỗ trợ phòng chống xói mòn.

Lát hoa và giổi xanh là 2 loại cây gỗ lớn, có bộ rễ tốt, tầng tán tốt, có chức năng lưu giữ nguồn nước, hỗ trợ phòng chống xói mòn.

Tưởng tượng sau 10 năm nữa, một cánh rừng sẽ bám rễ sâu xuống lòng đất, là thành quả ngọt ngào của những buổi tập huấn vất vả, những chuyến đi bám đầy bùn đất, những ngày trèo đèo lội suối của cả Cỏ Mềm, các chuyên gia SRD, kiểm lâm cùng đội tuần tra cộng đồng tại địa phương.

“Chúng tôi tin rằng việc chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp cho con người không tách rời trách nhiệm bảo tồn thiên nhiên và hệ sinh thái. Chính vì thế trong suốt 10 năm qua, chúng tôi luôn theo đuổi các dự án thể hiện được trách nhiệm của mình đối với cộng đồng, cam kết giá trị “lành và thật”. Các bên tham gia đều có sự chủ động và tâm huyết, nên chắc chắn sẽ tạo ra những cánh rừng bền vững trong tương lai”, anh Vũ Bảo Linh, đại diện Cỏ Mềm tự hào chia sẻ.

Sau 10 năm đi qua những vùng đất khô cằn, Cỏ Mềm không chỉ gieo cây, mà còn gieo lại niềm tin giữa người với người, giữa người với đất. Họ chọn cách đồng hành lặng lẽ và bền bỉ, chỉ để sau một mùa mưa, những mầm xanh lại nhú lên giữa đất đá bạc màu.

P.V

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/10ha-rung-an-lanh-danh-dau-hanh-trinh-10-nam-cua-co-mem-post1762752.tpo
Zalo