1 tỷ USD vốn FDI vào nhà đất: Trung Quốc, Nhật Bản, Malaysia... dẫn đầu làn sóng M&A

Nửa đầu năm 2024, vốn ngoại giải ngân trong hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1 tỷ USD, gấp 2 lần cùng kỳ. Chuyên gia dự báo khối ngoại vẫn sẽ chiếm ưu thế trong hoạt động M&A bất động sản năm 2024.

Vốn ngoại đổ vào bất động sản tăng vọt

Tính đến ngày 20/6/2024, FDI đăng ký vào Việt Nam đạt hơn 15 tỷ USD, tăng hơn 13% so với cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu của Tổng cục Thống kê. Trong đó, hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,89 tỷ USD, gấp 4,7 lần cùng kỳ và chiếm gần 20% tổng vốn đăng ký cấp mới.

Vốn ngoại đổ vào bất động sản tăng vọt.

Vốn ngoại đổ vào bất động sản tăng vọt.

Nếu tính cả vốn đăng ký mới và vốn đăng ký điều chỉnh thì vốn FDI đăng ký vào hoạt động kinh doanh bất động sản đạt gần 2 tỷ USD, gấp 3,4 lần cùng kỳ và chiếm gần 15% tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm. Đối với hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư vào hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 480,3 triệu USD, chiếm 28%.

Vốn FDI thực hiện tại Việt Nam kể từ đầu năm 2024 đến nay, ước đạt gần 11 tỷ USD, tăng hơn 8% so với cùng kỳ. Đây là số vốn FDI thực hiện cao nhất của 6 tháng đầu năm trong 5 năm qua. Trong đó, hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1 tỷ USD, gấp 2 lần cùng kỳ và chiếm hơn 9% tổng vốn FDI thực hiện.

Trao đổi với VietnamFinance, bà Trang Bùi - Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam, cho biết thời gian cuối năm 2023, đầu năm 2024 đã ghi nhận khoảng 16 thương vụ M&A bất động sản tiêu biểu, chủ yếu là các nhà đầu tư ngoại đến từ các Malaysia, Đài Loan, Trung Quốc, Nhật Bản.

Nhóm nhà đầu tư này tập trung ở các tỉnh thành như: Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương (Vùng Kinh tế trọng điểm miền Bắc); Bình Dương, TP. HCM, Đồng Nai (Vùng kinh tế trọng điểm miền Nam). Khối lượng đầu tư chảy vào các mảng: 40% là nhà ở, 60% là bất động sản công nghiệp tính theo giá trị giao dịch.

Năm 2023, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đạt 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% so với năm trước. Hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 trong số các ngành thu hút FDI, chiếm 12,7% trong tổng số vốn FDI năm 2023.

Theo bà Trang Bùi, phân khúc nhà ở có tiềm năng khi dân số đông, tỷ lệ đô thị hóa cao, thu nhập bình quân có xu hướng tăng trưởng. Tuy nhiên, một trong những thách thức hiện nay là khan hiếm về quỹ đất sạch, pháp lý và thủ tục đầu tư.

Bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam.

Bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam.

Đối với bất động sản công nghiệp, CEO Cushman & Wakefield đánh giá phân khúc này thu hút đầu tư, bởi Việt Nam hưởng lợi từ xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng của các nhà sản xuất lớn, sự tăng trưởng của các hoạt động sản xuất, xuất khẩu, thương mại điện tử, vận tải, kho bãi…

Dù vậy, theo bà, khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng và thủ tục đầu tư vẫn còn hiệu hữu. Ngoài ra, thuế tối thiểu toàn cầu gây ảnh hưởng các ưu đãi thuế và chính sách thu hút đầu tư tại các khu kinh tế và khu công nghiệp.

Khối ngoại tiếp tục săn lùng và thâu tóm dự án BĐS lớn

CEO Cushman & Wakefield cho hay, động lực thúc đẩy khối ngoại đầu tư bất động sản tại Việt Nam nhờ lợi thế vào quốc gia có tăng trưởng GDP cao trong khu vực. Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn lạc quan và tin tưởng vào sự phát triển của thị trường bất động sản, tài chính và tiếp tục tìm kiếm các cơ hội đầu tư tại Việt Nam.

Đặc biệt, Việt Nam duy trì ổn định chính trị lâu dài, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư và tăng trưởng kinh doanh dài hạn. Chính phủ Việt Nam đã thực hiện nhiều chính sách và ưu đãi khác nhau để thu hút thành công đầu tư nước ngoài.

Mặt khác, Việt Nam đã có sự đầu tư đáng kể và liên tục vào các dự án cơ sở hạ tầng trên khắp đất nước, điều này đã giúp nền kinh tế hoạt động năng suất và hiệu quả hơn. Ví dụ đường vành đai Hà Nội 1 đến 5 (vành đai 2,5 đã hoàn thành, đường vành đai 3 & 3,5 & 4 hoàn thành giai đoạn 2023 - 2028, đường vành đai 5 đang quy hoạch); đường vành đai 2 & 3 & 4 TP. HCM (vành đai 2 đã hoàn thành, đường vành đai 3: năm 2026, vành đai 4: năm 2024 - 2028); sân bay quốc tế Long Thành (giai đoạn 1: năm 2026; mở rộng sân bay quốc tế Nội Bài năm 2026).

Năm 2024, bà Trang Bùi dự báo thị trường sẽ sôi động hơn trong thời gian chờ đợi áp dụng các bộ luật bất động sản mới. Khối ngoại vẫn sẽ chiếm ưu thế trong M&A bất động sản. Các bộ luật mới sẽ tạo thúc đẩy cho thị trường bất động sản Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản 2023.

“Lĩnh vực công nghiệp và hậu cần của Việt Nam tiếp tục được hưởng lợi từ làn sóng đầu tư từ các nhà sản xuất lớn, như một phần trong quá trình đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ.

Nguồn cung khu công nghiệp tăng trưởng nhẹ. Vốn tập trung phát triển nhà xưởng xây sẵn (RBF) và nhà kho xây sẵn (RBW) cho thuê để tận dụng lợi ích từ việc di dời các nhà sản xuất lớn trong bối cảnh quỹ đất hạn chế”, CEO Cushman & Wakefield nói.

Lệ Chi

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/trung-quoc-nhat-ban-malaysia-dan-dau-lan-song-1-ty-usd-thau-tom-bds-viet-d112806.html
Zalo