1.000 tỷ đồng trái phiếu chậm trả phát sinh mới trong tháng 5

VIS Rating ước tính 6.900 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn trong tháng 6/2024 có rủi ro không trả được nợ gốc đúng hạn.

Một trái phiếu chậm trả phát sinh mới

Trong tháng 5/2024, giá trị trái phiếu chậm trả phát sinh mới tăng lên 1.000 tỷ đồng do một trái phiếu chậm trả lãi. Tỷ lệ trái phiếu chậm trả lũy kế tăng 1% so với cuối năm 2023, ở mức 16,1% vào cuối tháng 5/2024.

Trái phiếu này có ngày đáo hạn ban đầu ngày 13/5/2024 đã được phần lớn trái chủ chấp thuận gia hạn thêm 24 tháng vào ngày 12/4/2024. Tuy nhiên, vẫn có một số trái chủ nắm giữ 87 tỷ đồng mệnh giá không đồng ý gia hạn. Tổ chức phát hành cũng được chấp thuận của đa số trái chủ về việc không thanh lý tài sản đảm bảo trong trường hợp có phát sinh chậm trả.

Tổ chức phát hành công bố đã thanh toán 112,5/117,3 tỷ đồng lãi trái phiếu trong ngày 13/5/2024, tuy nhiên tổ chức phát hành chưa thanh toán 87 tỷ đồng gốc trái phiếu không được gia hạn. Trường hợp này theo phân loại của VIS Rating bị xếp vào chậm trả cả gốc và lãi.

Ngoài ra, còn có trường hợp Công ty TNHH KN Cam Ranh thông báo chậm trả lãi ngày 31/5/2024. Tuy nhiên, tổ chức phát hành công bố đã thanh toán đầy đủ vào ngày 3/6/2024 (chậm 1 ngày làm việc) nên chưa ghi nhận đây là trường hợp chậm trả.

Tỷ lệ trái phiếu chậm trả toàn thị trường cuối tháng 5/2024 ở mức 16,1%, tăng 1% so với cuối năm 2023. Khoảng 65% lượng trái phiếu chậm trả gốc/lãi đến từ nhóm ngành Bất động sản dân cư, với tỷ lệ chậm trả gốc lãi của riêng nhóm ngành này là 31%.

Trái phiếu chậm trả gốc/lãi phát sinh mới theo tháng

Trái phiếu chậm trả gốc/lãi phát sinh mới theo tháng

Trong tháng 5/2024, có 2 tổ chức phát hành là Tập đoàn Novaland và Hưng Thịnh Land đã thực hiện hoán đổi tài sản để hoàn trả một phần nợ trái phiếu chậm trả với tổng giá trị hoán đổi là 125 tỷ đồng.

Ngoài ra, có 7 tổ chức phát hành chậm trả thuộc nhóm ngành bất động sản dân cư, năng lượng và xây dựng đã thực hiện thanh toán một phần gốc trái phiếu cho trái chủ. Tổng số tiền thanh toán là 141 tỷ đồng, tương đương 2% tổng giá trị trái phiếu đang lưu hành của nhóm này. Phần lớn trái phiếu đã được gia hạn ngày đáo hạn đến cuối năm 2024 hoặc 2025 sau khi không trả được nợ gốc trước đó vào năm 2023.

Tỷ lệ thu hồi đối với trái phiếu chậm trả toàn thị trường không đổi so với tháng trước, ngoại trừ nhóm bất động sản dân cư. Tỷ lệ thu hồi của nhóm ngành này giảm xuống 10,9% tính đến cuối tháng 5/2024 do giá trị trái phiếu chậm trả gốc/lãi tăng lên trong tháng này.

6.900 tỷ đồng có nguy cơ chậm trả trong tháng 6

Trong tháng 6/2024, 41 mã trái phiếu thuộc 34 tổ chức phát hành trị giá 23.000 tỷ đồng sẽ đáo hạn. Trong đó, VIS Rating ước tính khoảng 6.900 tỷ đồng, tương đương 30% có nguy cơ chậm trả nợ gốc/lãi trong tháng 6/2024.

Trong số trái phiếu có rủi ro cao trị giá 6.900 tỷ đồng, có khoảng 5.800 tỷ đồng chủ yếu bao gồm DCT Partners Việt Nam, Đầu tư và Bất động sản Ngọc Minh, Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Nova và Hưng Thịnh Land phát hành đã chậm trả lãi coupon trong năm 2023.

“Chúng tôi đánh giá rằng các tổ chức phát hành này có khả năng cao sẽ chậm trả nợ gốc do dòng tiền yếu và nguồn tiền mặt cạn kiệt”, VIS Rating cho biết.

Lượng trái phiếu đáo hạn phân theo nhóm ngành trong thời gian tới

Lượng trái phiếu đáo hạn phân theo nhóm ngành trong thời gian tới

Trong khi 1.100 tỷ đồng trái phiếu còn lại có rủi ro cao chậm trả lần đầu thuộc các tổ chức phát hành nhóm ngành bất động sản dân cư. VIS Rating lưu ý rằng, các tổ chức phát hành này có biên lợi nhuận EBITDA trung bình trong 3 năm qua thấp hơn 10% hoặc thậm chí bị âm và nguồn tiền để trả nợ đến hạn ở mức cạn kiệt.

“Trong 12 tháng tới, khoảng 19% trái phiếu đang lưu hành với tổng giá trị là 216.000 tỷ đồng sẽ đáo hạn. Chúng tôi ước tính 9% trong số này là trái phiếu có rủi ro chậm trả cao, chủ yếu ở các ngành bất động sản dân cư và xây dựng”, VIS Rating cho biết.

Lam Phong

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/1000-ty-dong-trai-phieu-cham-tra-phat-sinh-moi-trong-thang-5-post347297.html
Zalo